Quantcast
Channel: Tuần Việt Nam » Ký sự nhân vật
Viewing all articles
Browse latest Browse all 10

Chuyện buồn bên dòng Nậm Chon

$
0
0

Bóng cả liêu xiêu

Một người bạn là dân bản địa dẫn tôi ghé thăm nhà vợ chồng ông Phan Văn Niêm (sinh 1945) và bà Vi Thị Hoài (sinh năm 1948). Gọi là căn nhà nhưng thật tình mà nói đó là mái lều thì đúng hơn. Bởi nó vừa nhỏ, vừa chật, lại xiêu vẹo, phía trên được lợp bằng prô xi măng. Cả hai vợ chồng đều có vóc người nhỏ thó, khuôn mặt hốc hác. Vợ chồng ông Niêm có 3 người con, con trai cả đang lưu lạc ở một tỉnh xa để tránh "cái chết trắng". Người con trai thứ 2 đang làm công an viên của bản, đã có gia đình và hiện ở riêng. Còn cô con gái út đã lấy chồng về huyện Qùy Hợp. Chuyện trò với chúng tôi, bà Hoài nhắc nhiều tới người con trai cả có tên là Phan Văn Duyệt (sinh1977). Khi còn nhỏ, Duyệt vốn khỏe mạnh, nhanh nhẹn và khá thông minh. Nhưng lớn lên theo bạn theo bè rồi dính vào ma túy dẫn đến bỏ bê chuyện học hành, không còn thiết tha với nương rẫy. Từ một thanh niên cường tráng, Duyệt đã bị "con ma trắng" biến thành một hình nhân gầy đét. May mắn là anh vẫn còn giữ được một ít mầm thiện, vì không bao giờ trộm cắp hay gây sự với ai. Nhìn bố mẹ ngày  một mỏi mòn, có lúc anh rơi nước mắt và quyết định đi cai nghiện. Điều trị ở trại cai nghiện một năm, Duyệt trở về nhà với một vóc dáng khá khỏe mạnh. Nhưng chỉ vài ngày sau, những người bạn là đệ tử của "con ma trắng" lại tìm đến rủ rê, lôi kéo anh trở lại con đường nghiện hút. Bà Vi Thị Hoài lại khóc hết nước mắt vì lo lắng cho tương lai của con mình. Thương mẹ, Duyệt quyết định đi tỉnh khác làm ăn để tránh xa những người bạn nghiện ngập, để có cơ hội đoạn tuyệt với ma túy và làm lại cuộc đời. Nhưng vì trong tay không bằng cấp, đi ra không dễ kiếm được việc làm nên ít lâu sau anh lại về quê với ý định phát nương làm rẫy, chăm chỉ làm ăn và sống lương thiện. Người xưa nói quả không sai: "Cây muốn lặng nhưng gió chẳng đừng", đệ tử của "con ma trắng" lại tìm đến lôi kéo, rủ rê. Ông Niêm, bà Hoài lại ngày càng héo hon vì một phần do cuộc sống nghèo túng, phần khác vì lo lắng cho con. Duyệt lại quyết định ra đi, từ đó đến nay đã hơn 3 năm vẫn chưa trở lại. Bà Hoài cho hay, hiện anh đang làm việc tại một bãi vàng thuộc tỉnh Quảng Nam. Gọi điện cho bố mẹ, Duyệt nói mình vẫn khỏe, liên tục tăng cân. Hỏi chuyện vợ con, anh vẫn một mực chối từ vì sợ lấy vợ rồi sau này sẽ làm khổ cả vợ và con. Dù rất nhớ nhà nhưng anh vẫn chưa dám về vì sợ gặp lại những người bạn cũ.

Bà Hoài chợt nhìn xa xăm rồi buông tiếng thở dài: "Tuổi này đáng lẽ đã được dựa vào con nhưng vợ chồng tôi vẫn phải tất tả kiếm cái ăn qua ngày. Khi dựng ngôi nhà này, phải vay tiền ngân hàng, nay vẫn còn nợ tới 13 triệu. Không biết khi nào trả hết…". Chợt ông Niêm đứng lên, bước ra ngoài. Bóng ông xiêu xiêu trong ánh nắng chiều hè…

{keywords}
Nét mặt bà Vi Thị Hoài khi kể về người con trai nghiện ma túy

Cái chết bí ẩn của sơn nữ tuổi 18

Nhà của vợ chồng ông Lương Văn Tuyên (73 tuổi) và bà Lô Thị Lý (51 tuổi) ở đầu bản, nằm chênh vênh bên dòng Nậm Chon. Có vẻ như ngôi nhà này còn tiêu điều hơn cả  nhà của ông Niêm. Vì lẽ, trong nhà không gần như không thấy thứ đồ đạc gì có giá trị ngoài 1 chiếc giường ọp ẹp và 1 tấm phản được làm từ gỗ tạp. Đã thế, chủ nhân luôn mang vẻ mặt sầu não khiến cho quang cảnh càng trở nên u tịch. Chỉ lên chiếc bàn thờ nhỏ đóng trên bức vách giữa nhà, ông Tuyên ngậm ngùi: "Con gái út của vợ chồng tôi vừa mất cách đây khoảng 2 tuần. Tội nghiệp, năm nay nó mới 18 tuổi".

Người bạn cùng đi giải thích: "Vợ chồng ông bà đây thực chất là "rổ rá cạp lại", nghĩa là trước khi đến với nhau 2 người đã từng có gia đình, con cái. Cuộc đời đưa đẩy họ đến gặp nhau ở vùng đất này. Họ có 1 người con chung sinh năm 1995, tên là Lương Thị Thanh Hoa, vừa mới mất ở Đà Nẵng". Dường như đoán được những thắc mắc của chúng tôi, anh bạn đã kể rõ ngọn ngành về cái chết của cô sơn nữ tuổi 18. Từ khi hơn 10 tuổi, Lương Thị Thanh Hoa đã lớn phổng phao và biết làm duyên sớm hơn so với những người bạn cùng trang lứa. Có thể nói cô là đóa hoa rừng nở sớm nên đêm đêm con trai làng trên, bản dưới đã bắt đầu tìm đến chơi. Hoàn cảnh gia đình khó khăn, Hoa phải nghỉ học sớm để đỡ đần bố mẹ công việc nương rẫy. Một ngày Hoa quyết định rời bỏ bản làng, rời bỏ dòng Nậm Chon để ra đi. Hàng tháng, hàng năm mới thấy Hoa ghé về thăm nhà nhưng cũng chỉ 1- 2 ngày lại khăn gói lên đường. Dân bản đồn rằng cô đi hành nghề ở các bãi biển và khu du lịch. Rồi nghe đâu Hoa phiêu dạt đến tận bãi biển Đà Nẵng, rồi Hoa lấy chồng và thỉnh thoảng có gửi một ít tiền về cho bố mẹ. Nhưng không lâu sau đó lại rộ lên tin đồn rằng Hoa đã bỏ chồng và tiếp tục bám trụ ở bãi biển Đà Nẵng. Giữa tháng 5/2013, cả bản Đình Tài lại xôn xao về cái chết của Hoa. Hoa trút hơi thở cuối cùng ở "Thành phố đáng sống nhất Việt Nam" và gửi lại tấm thân mình ở chốn này.

Chiếc bàn thờ của Hoa quá đơn sơ và nằm chênh vênh trên vách gỗ. Nó như là sự hiện thân của của cuộc đời cô, một cuộc đời gieo neo và ngắn ngủi. Trên đó chỉ có 1 gói bánh, 1 quả dứa, 2 quả chuối đã héo và mấy cây nhang gầy teo. Ở giữa là di ảnh của Hoa với mái tóc xõa, khuôn mặt nhợt nhạt và đặc biệt đôi mắt cô chứa đầy sự u uẩn. Nhìn kỹ tấm di ảnh ấy, người bạn của chúng tôi suy luận rằng vẻ mặt và ánh mắt ấy là của người đã chết. Có khả năng, khi Hoa đã trút hơi thở cuối cùng, người ta lại dựng cô ngồi dậy để chụp ảnh chân dung làm ảnh thờ. Nhờ bà Lý lục tìm những tấm ảnh khác của Hoa, bà tìm mãi cũng chỉ thấy một tấm ảnh của con gái mình chụp lúc còn đi học. Đứng cạnh Hoa là 2 người bạn gái, khuôn mặt Hoa bầu bĩnh và đôi mắt lấp lánh như biết cười. Bà lý đưa chúng tôi xem các loại giấy tờ liên quan đến cái chết của con gái, trong đó có kết luận của bệnh viện là "chết không rõ nguyên nhân". Cùng với đó là giấy chứng nhận an táng của ban quản lý nghĩa trang, đặc biệt là có danh sách liệt kê những tổ chức và cá nhân ở Đà Nẵng đã quyên góp tiền để tổ chức đám tang cho Hoa. Số tiền ấy lên tới 21.850.000 đồng. Vậy là cô sơn nữ Lương Thị Thanh Hoa ra đi không được gặp bố mẹ và người thân, chỉ để lại cuộc đời này vẻn vẹn chừng ấy giấy tờ. Còn bố mẹ cô vì điều kiện sức khỏe, vì thiếu tiền cũng không thể sắp xếp vào Đà Nẵng để đưa tiễn con về nơi yên nghỉ.

Đôi mắt chợt rưng rưng, ông Tuyên nói trong tiếng nấc: "Tôi dựng cái nhà này còn nợ 13 triệu đồng, nó hứa sẽ chi tiêu tiết kiệm để gửi tiền về giúp bố trả nợ ngân hàng. Vậy mà, tôi không ngờ nó mất đột ngột và khó hiểu như thế…".

{keywords}

Nét mặt bà Vi Thị Hoài khi kể về người con trai nghiện ma túy

Tan vỡ một gia đình

Đi qua một khoảnh đất giữa bản, trên đó còn trơ lại cái nền cũ, anh bạn nói với chúng tôi: "Nơi đây từng là một mái ấm gia đình nhưng rồi vì cuộc sống nghèo khó, vì tệ nạn buôn người đã xóa đi tất cả". Chủ nhân của nền đất từng là một mái ấm này là vợ chồng anh Kha Văn Thời và chị Vi Thị Pồ. Đôi vợ chồng trẻ ấy từng có một cuộc sống hạnh phúc và 2 đứa con ngoan.

Đầu năm 2013, vợ chồng bàn bạc để anh Thời sang Lào làm ăn, dành dụm tiền trả nợ ngân hàng. Còn chị Pồ ở nhà làm một ít rẫy và chăm sóc các con. Chồng đi được ít lâu, ở nhà có người đến rủ rê, chị Pồ quyết định gửi 2 con (đứa lớn 9 tuổi, đứa nhỏ mới 2 tuổi) cho bố mẹ chồng để đi Trung Quốc. Đang ở bên Lào, hay tin vợ bỏ đi Trung Quốc, anh Thời tức tốc trở về. Chứng kiến cảnh nhà cửa tan hoang, anh phát khóc. Rồi con gái đầu bị viêm phổi nặng phải điều trị ở bệnh viện dài ngày. Thời gian ấy, anh thực sự chán nản và suốt ngày sống lặng lẽ như cái bóng. Giận vợ, thương con, căm thù người đã rủ rê vợ bỏ đi, anh quyết định tìm cách tố cáo để đòi hỏi sự công bằng. Một ngày, đang trên đường đi thu thập chứng cứ để tố cáo kẻ đã rủ rê, do suy nghĩ mông lung nên anh Thời tự ngã khi đang điều khiển xe máy. Đầu anh đập xuống đường, chụp X quang kết luận bị vỡ hộp sọ. Người thân đã đưa anh xuống Bệnh viện Đa khoa Nghệ An điều trị cả tháng trời nhưng vẫn không có triển vọng của sự sống. Anh được chuyển ra điều trị tại một bệnh viện ở Hà Nội nhưng các bác sỹ ở đây cũng đành lắc đầu, bó tay. Anh Thời chết cách đây hơn 1 tháng, để lại món nợ khoảng hơn 200 triệu đồng tiền thuốc thang, cứu chữa suốt gần 2 tháng nằm viện. An táng anh Thời xong, hai bên nội ngoại bàn bạc và đi đến quyết định bán đi ngôi nhà gỗ của vợ chồng anh để trang trải một phần nợ nần.

Không hiểu sao, khi nhìn cái nền nhà nhô lên trong khoảnh vườn hoang ấy, chúng tôi lại liên tưởng đến một ngôi mộ. Và dưới ngôi mộ ấy là một mái ấm gia đình từng có cuộc sống hạnh phúc rồi thoáng chốc đổ vỡ tan tành. Người chồng giờ đây đã thành người thiên cổ, người vợ đang lưu lạc xứ người, còn 2 đứa con thơ phải sống nhờ ông bà nội, từ nay thiếu hẳn sự quan tâm, chăm sóc của các bậc sinh thành. Trước thực tế này, chúng tôi cứ mãi day dứt với những câu hỏi: Ai đã gây nên thảm cảnh này? Phải làm gì để không còn gia đình nào lâm vào hoàn cảnh tương tự?

Người bạn của chúng tôi còn kể thêm những câu chuyện khác vừa xẩy ra ở Đình Tài. Nào là chuyện người đàn ông nghiện hút, gầy da bọc xương trước lúc chết vẫn nhờ người thân chích cho một mũi hê-rô-in. Nào là chuyện có bà mẹ đang có ý định kiện người đã rủ rê con gái mình đi Trung Quốc. Nói chung, toàn là những câu chuyện buồn tê tái, thực sự chúng tôi không còn muốn nghe và không muốn tiếp tục kể nữa.


Viewing all articles
Browse latest Browse all 10

Trending Articles